Văn hóa Đế_quốc_Brasil

Nghệ thuật thị giác

O descanso do modelo (người mẫu lúc nghỉ ngơi), của Almeida Júnior, 1882Morro da Viúva (núi góa phụ), của França Júnior, c. 1888

Theo sử gia Ronald Raminelli, "nghệ thuật thị giác trải qua cách tân to lớn tại Đế quốc so với giai đoạn thuộc địa."[281] Brasil độc lập vào năm 1822, hội họa, điêu khắc và kiến trúc chịu ảnh hưởng của biểu tượng quốc gia và chế độ quân chủ, do cả hai vượt qua các đề tài tôn giáo về tầm quan trọng. Phong cách Baroque cũ chiếm ưu thế trước đó bị phong cách tân cổ điển thay thế.[281] Các phát triển mới xuất hiện, như sử dụng sắt trong kiến trúc và sự xuất hiện của in thạch bảnnhiếp ảnh, giúp chấn hưng nghệ thuật thị giác.[281]

Sự kiện chính phủ thành lập Viện hàn lâm Mỹ thuật Hoàng gia vào năm 1820 giữ một vai trò quan trọng trong việc tạo ảnh hưởng và phát triển nghệ thuật thị giác tại Brasil, chủ yếu nhờ giáo dục các thế hệ nghệ sĩ song cũng nhờ đóng vai trò là một nơi hướng dẫn phong cách.[282] Nguồn gốc của viện được đặt trên nền tảng Escola Real das Ciências, Artes e Ofícios (Học viện hoàng gia về khoa học, nghệ thuật và thủ công nghiệp) do Quốc vương Bồ Đào Nha João VI thành lập vào năm 1816. Các thành viên của trường là những người Pháp lưu vong, họ làm việc trong vai trò là họa sĩ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ và kỹ sư (nổi tiếng nhất trong số đó là Jean-Baptiste Debret).[283] Mục tiêu chủ yếu của trường là khuyến khích mỹ học Pháp và phong cách tân cổ điển để thay thế phong cách baroque đang thịnh hành.[284] Gặp trở ngại do thiếu kinh phí từ khi bắt đầu, trường sau đó đổi tên thành Viện hàn lâm Mỹ thuật vào năm 1820, và đến năm 1824 nhận được tên gọi Viện hàn lâm Mỹ thuật Hoàng gia.[284]

Sau khi Pedro II đến tuổi trưởng thành vào năm 1840, Học viện mới trở thành một tổ chức có thế lực, nằm trong kế hoạch lớn của Hoàng đế nhằm xúc tiến một văn hóa quốc gia và sau đó là thống nhất toàn bộ người Brasil trong một nhận thức dân tộc chung.[285] Pedro II bằng lòng bảo trợ văn hóa Brasil thông qua một vài tổ chức công cộng được chính phủ tài trợ (không giới hạn tại Học viện Mỹ thuật), như Học viện Lịch sử và Địa lý Brasil[286] và Viện hàn lâm Âm nhạc và nhạc kịch dân tộc hoàng gia.[287] Sự bảo trợ này mở đường không chỉ cho sự nghiệp của các nghệ sĩ, mà còn cho những người tham gia các lĩnh vực khác, bao gồm các sử gia như Francisco Adolfo de Varnhagen[288] và các nhạc sĩ như nhà soạn nhạc kịch Antônio Carlos Gomes.[289]

Đến thập niên 1840, chủ nghĩa lãng mạn thay thế chủ nghĩa tân cổ điển trên quy mô lớn, không chỉ trong hội họa mà còn trong điêu khắc và kiến trúc.[282] Viện hàn lâm không tiếp tục vai trò chỉ thuần túy cung cấp giảng dạy: các giải thưởng, huy chương, học bổng tại ngoại quốc và tài trợ được sử dụng để khích lệ.[290] Trong số các cán bộ và sinh viên của trường, một số người nằm trong số các nghệ sĩ Brasil nổi danh nhất, bao gồm Simplício Rodrigues de Sá, Félix Taunay, Manuel de Araújo Porto-alegre, Pedro Américo, Victor Meirelles, Rodolfo Amoedo, Almeida Júnior, Rodolfo Bernardelli và João Zeferino da Costa.[290][291] Trong thập niên 1880, sau thời gian dài được nhìn nhận là phong cách chính thức của Viện hàn lâm, chủ nghĩa lãng mạn suy thoái, và thế hệ nghệ sĩ mới khám phá các phong cách khác. Trong các thể loại mới này có nghệ thuật phong cảnh, các nhân vật tiêu biểu nhất của nó là Georg Grimm, Giovanni Battista Castagneto, França Júnior và Antônio Parreiras.[292] Phong cách khác đạt được độ phổ biến trong các lĩnh vực hội họa và kiến trúc là chủ nghĩa chiết trung.[292]

Văn học và sân khấu

Một bức ảnh chụp vào khoảng năm 1858, trong hình là ba nhà văn lãng mạn lớn của Brasil. Từ trái sang phải: Gonçalves Dias, Manuel de Araújo Porto Alegre và Gonçalves de Magalhães

Trong những năm đầu sau độc lập, văn học Brasil vẫn chịu ảnh hưởng mạnh từ văn học Bồ Đào nha và phong cách tân cổ điển chiếm ưu thế trong đó.[293] Năm 1837, Gonçalves de Magalhães phát hành tác phẩm lãng mạn đầu tiên tại Brasil, bắt đầu một thời kỳ mới của văn học quốc gia.[294] Đến năm 1838, xuất hiện vở kịch đầu tiên do người Brasil biểu diễn lấy một đề tài quốc gia, đánh dấu khai sinh sâu khấu Brasil. Cho đến đương thời, các đề tài thường dựa trên các tác phẩm châu Âu ngay cả khi không do các diễn viên ngoại quốc biểu diễn.[294] Chủ nghĩa lãng mạn vào đương thời được nhìn nhận là phong cách văn chương thích hợp nhất với văn học Brasil, có thể biểu thị tính độc đáo của nó khi so sánh với văn học ngoại quốc.[295] Trong các thập niên 1830 và 1840, "một mạng lưới báo chí, nhà xuất bản sách và nhà in nổi lên cùng với việc khánh thành sân khấu tại những đô thị lớn, đem lại điều có thể gọi là một văn hóa quốc gia với phạm vi hẹp".[296]

Chủ nghĩa lãng mạn đạt cực thịnh từ cuối thập niên 1850 đến đầu thập niên 1870 với một số nhánh, bao gồm chủ nghĩa da đỏ và chủ nghĩa đa cảm.[297] Phong cách văn học có ảnh hưởng nhất tại Brasil trong thế kỷ 19 là chủ nghĩa lãng mạn, với nhiều người trong số các nhà văn nổi tiếng nhất của Brasil: Manuel de Araújo Porto Alegre,[298] Gonçalves Dias, Gonçalves de Magalhães, José de Alencar, Bernardo Guimarães, Álvares de Azevedo, Casimiro de Abreu, Castro Alves, Joaquim Manuel de Macedo, Manuel Antônio de Almeida và Alfredo d'Escragnolle Taunay.[299] Trong lĩnh vực sân khấu, những nhà soạn kịch lãng mạn nổi tiếng nhất là Martins Pena[299] và Joaquim Manuel de Macedo.[300] Chủ nghĩa lãng mạn Brasil không có mức độ thành công trong lĩnh vực sân khấu như trong văn học, do hầu hết vở kịch là các bi kịch tân cổ điển hay tác phẩm lãng mạn từ Bồ Đào Nha hoặc chuyển ngữ từ tiếng Ý, Pháp, Tây Ban Nha.[300] Sau khi khánh thành Học viện Kịch Brasil vào năm 1845, chính phủ cung cấp tài trợ cho các công ty sân khấu quốc gia nhằm đổi lấy các vở kịch trình diễn bằng tiếng Bồ Đào Nha.[300]

Đến thập niên 1880, chủ nghĩa lãng mạn bị các phong cách văn chương mới thay thế, đầu tiên là chủ nghĩa hiện thực với các nhà văn nổi bật nhất là Joaquim Maria Machado de Assis và Raul Pompeia.[297] Các phong cách mới hơn cùng tồn tại với chủ nghĩa hiện thực là chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa thi đàn, cả hai đều liên kết với sự tiến triển của chủ nghĩa hiện thực.[297] Trong số các nhân vật tự nhiên nổi tiếng nhất có Aluísio Azevedo và Adolfo Caminha.[301] Các nhân vật thi đàn nổi tiếng là Gonçalves Crespo, Alberto de Oliveira, Raimundo Correia và Olavo Bilac.[299] Sân khấu Brasil chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện thực từ năm 1855, sớm hơn nhiều thập kỷ trước khi nó ảnh hưởng đến văn thơ.[302] Các nhà soạn kịch hiện thực nổi tiếng gồm có José de Alencar, Quintino Bocaiuva, Joaquim Manuel de Macedo, Júlia Lopes de Almeida và Maria Angélica Ribeiro.[302] Các vở kịch Brasil do các công ty quốc doanh dàn dựng cạnh tranh khán giả với các vở kịch và công ty ngoại quốc.[303] Nghệ thuật trình diễn tại Brasil thời kỳ đế quốc cũng bao gồm trình diễn song ca, vũ đạo, thể hình, thể dục dụng cụ, hài kịch và náo kịch.[303] Múa rối và trò phủ thủy, cũng như rạp xiếc ít có thanh thế song phổ biến hơn trong tầng lớp lao động, với các công ty biểu diễn lưu động, với các tiết mục nhào lộn, động vật được huấn luyện, ảo thuật và các trò định hướng nhào lộn khác.[304]